Blogger Phuong44dltt

Nơi chia sẽ VCD DVD MP4 Phim Phật Giáo và Các Bài Giảng, Kinh, Luật, Luận.

Lợi ích cho thân bằng quyến thuộc

Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng.

Niệm Phật và Niệm Phật

Tin Sâu - Nguyện Thiết - Hạnh Chuyên, vãng sanh Tịnh Độ ngay đời này tu!.

Phật Nhập Niết Bàn

Này các Tỳ kheo! Các người đừng nghe dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Ðạo ta là quý báu. Chỉ có chân lý của Ðạo ta là bắt di bất dịch! Hãy tinh tấn lên để giải thoát!

Tam Thánh Tây Phương

Phật A Di Đà thân kim sắc, tướng tốt quang minh tự trang nghiêm, năm Tu Di uyển chuyển bạch hào, bốn biển lớn trong ngần mắt biết!

23 thg 9, 2012

Chỉ rõ công phu niệm Phật - HT Thích Trí Tịnh


CHỈ RÕ CÔNG PHU NIỆM PHẬT
(Chùa Vạn Đức, ngày Khánh tuế 17/7 Nhâm Thìn – 2/9/2012)
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh



Trong những pháp môn Phật dạy, tôi cả đời chuyên tâm nơi pháp môn Trì danh niệm Phật. Pháp tu niệm Phật có nhiều, trì niệm danh hiệu Phật là một trong những pháp niệm Phật. Đây là pháp môn dễ tu, dễ thực hành nhất, dễ thành tựu. Về chỗ thành tựu cũng như chỗ đạt được rất rõ ràng từng bước, từng nấc tiến, có thể diễn nói, có thể khắc nghĩa. Do cái rõ ràng mà người được nghe, người được biết, nghe cũng dễ mà biết đúng cũng dễ. Chỉ quan trọng là phải có lòng tin chân thật, chí nguyện vãng sanh chân thật và thực hành đúng pháp siêng năng. Được vậy, thì đã nắm vững ở pháp môn niệm Phật. Nếu lúc tu hành có sai cũng dễ nhận biết, làm đúng mình cũng tự biết, khi được mình cũng tự biết.

Tôi nói thật với các huynh đệ, những gì sau khi tôi đã hiểu đã biết, lúc thực hành như thế nào, trải qua mấy mươi năm, các huynh đệ đôi khi thắc mắc: không biết Hòa thượng tu như vậy thành tựu được gì không? Có được mà chỉ được bước đầu tiên thôi.

Các huynh đệ tụng kinh A Di Đà, đức Phật có nói, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân được nghe đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày nhất tâm bất loạn thì người đó đến lúc lâm chung được đức Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Lúc ấy, do sức niệm của mình đã vững, lại có Phật và Thánh cùng đến tiếp đón nên tâm không điên đảo, được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.

Khi về cõi Cực lạc lấy hoa sen làm bào thai mà sanh ra, thọ hưởng về chánh báo là thân thể, được thân kim cang bất hoại. Trong kinh nói, hoàn cảnh ở cõi đó rất rõ ràng, đất đai, nhà cửa, sự sinh hoạt đều rất trang nghiêm thanh tịnh, bảo đảm chắc chắn thành tựu quả vị Phật. Cho nên, vãng sanh Tịnh độ không phải chuyện tầm thường, phải được đức Phật cùng Thánh chúng đến tiếp đón.

Vậy làm thế nào chúng ta được sanh về cõi Cực lạc? Trong kinh A Di Đà nói: “Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. “Chẳng dùng chút ít” nghĩa là phải nhiều, nhiều thiện căn phước đức nhân duyên mới được sanh về. Nhưng muốn được nhiều phải làm sao? Theo lời Phật dạy, rất dễ hiểu, dễ thực hành, dễ được kết quả. Nghĩa là: Người nào nghe đến đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu. “Nghe đến” nghĩa là chưa từng nghe biết cõi Cực lạc và đức Phật A Di Đà, bây giờ mới được nghe biết danh hiệu của Ngài.

Bốn tiếng “Chấp trì danh hiệu” thường thường không ai chú ý. Khó lắm! Lời trong kinh nói là lời Phật nói không phải chuyện thường, từ tiếng phải nắm cho rõ chứ không phải như phàm phu nói chuyện với nhau. Nếu không như vậy thì sẽ hiểu sai lệch, đã hiểu sai thì tu sai, tất nhiên không có chỗ thành tựu. Thế nào mới đúng ở nơi “chấp trì danh hiệu”? “Chấp” nghĩa là nắm, “trì” nghĩa là giữ, tức là trong tâm thường niệm Phật luôn luôn, chẳng phải như lúc mới tập niệm hoặc nửa tiếng hay một tiếng, hoặc một trăm câu nhưng lúc buông ra thì trong tâm không nhớ niệm Phật. Như vậy nghĩa của “chấp trì” là nắm luôn giữ kỹ, không lúc nào không có, lúc có lúc không thì chẳng phải.

Về sau các bậc cổ đức diễn tả bốn tiếng ấy như là:
1. Bất niệm tự niệm: mình không nghĩ niệm nhưng trong tâm vẫn luôn tự niệm Phật.
2. Niệm lực tương tục: niệm Phật có sức mạnh thường niệm luôn, không lúc nào hở dứt.

Nếu người nào tự thực hành thì sẽ tự biết. Từ chỗ được “chấp trì danh hiệu” là đạt bước đầu tiên về đạo lực trong pháp môn Trì danh niệm Phật.

Tôi nói rõ cho các huynh đệ biết, điều này tôi cũng đã nói rồi. Từ trước đến giờ, tôi chuyên tu ở nơi pháp môn niệm Phật, là pháp tu mà Phật dạy từ phàm phu tiến lên bậc Thánh. Về chỗ thành tựu, tôi chỉ được bốn tiếng như trong kinh đã nói là “chấp trì danh hiệu”. Từ bước đầu tiên này mới được những bước sau như tiến lên tam muội (chánh định) chẳng hạn. Đến bây giờ, tôi cũng chỉ được tầng bậc này thôi, phần ít nhất của pháp môn niệm Phật. Đời tôi năm nay đã 96 tuổi mà thọ dụng không hết. Thứ nhất: ngũ tạng, lục phủ trong thân không sanh bệnh. Có lần tôi vô bệnh viện để khám bệnh. Sau khi khám xong, bệnh viện làm giấy kết quả xét nghiệm về tâm, cang, tỳ, phế, thận, máu huyết… Họ tổng kết rằng: kiểm tra kỹ, tất cả đều bình thường. Kế nữa, có điều làm chứng cho mình biết, các vị đắc đạo lên bậc Thánh, cái ngủ không có, thùy miên tâm sở bị trí lực làm cho thế lực của nó yếu hẳn hoặc mất đi. Người bình thường, thùy miên tâm sở còn nguyên, hễ nằm nhắm mắt thì khởi lên ngủ mê, còn trằn trọc không ngủ là bị bệnh mất ngủ. Còn người được đạo, thùy miên tâm sở yếu hoặc không còn. Vì sao? Vì có trí lực chế phục. Như lâu rồi cho đến bây giờ, mấy tháng nay tôi không ngủ. Mấy chú thị giả nói: “Con không ngủ một đêm thì ngày sau không làm gì được! Sư ông mấy tháng không ngủ tinh thần vẫn tỉnh sáng, còn phấn chấn mạnh hơn lúc trước kia”. Thỉnh thoảng tôi cũng ngủ nhưng ít lắm, đến đỗi chỉ khi có chiêm bao mới biết mình ngủ.

Trên đường đạo, mình biết rất rõ ràng chứ không phải mù mờ. Mù mờ nguy hiểm lắm! Chính mình không rõ để nhận biết, rồi tự viết thành sách. Người đọc tưởng rằng đúng, chẳng dè chỉ là phàm phu tự ý nói ra. Tôi thường nói, phải y cứ trong kinh làm chánh, gọi là Thánh giáo lượng. Trong kinh không nói, dù người có nói hoặc viết sách truyền bá thì chưa chắc chắn. Vì phàm phu vẫn phải phàm phu, chẳng thể phàm phu muốn thành Thánh liền thành Thánh.

Hồi xưa, tôi chuyên nắm giữ nơi pháp môn niệm Phật là do có tâm ưa thích. Tâm ưa thích này, nghiệm lại là tập quán quen thuộc của mình nhiều đời nhiều kiếp chớ không phải mới đây. Kế đến, tôi nhận thấy pháp tu này chắc chắn, từ chỗ ứng dụng tu đến lúc được kết quả đều có mực thước rõ ràng. Chẳng hạn, lúc hạ thủ công phu trì danh niệm Phật, bắt đầu thực hành cũng rõ ràng từ việc nghe tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, chỉ có sáu chữ, dễ nhận, dễ biết, dễ nhớ. Nhưng niệm phải đúng pháp là thế nào? Lúc niệm Phật thì có âm thanh của câu Phật hiệu, nhưng tâm phải nhận rõ được tiếng niệm, chớ đừng miệng niệm mà tâm lại nghĩ việc khác. Ví dụ: miệng niệm Phật, trong tâm lại suy nghĩ xâu chìa khóa để đâu rồi? Như vậy là tu trật, đúng hay sai liền biết.
Niệm Phật đúng pháp là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Tiếng ở đâu thì tâm ở đó, tâm ở đâu thì tiếng ở đó. Niệm thầm hay ra tiếng đều phải vậy. Thế nên, lúc ứng dụng tu đúng hay không đúng tự mình dễ dàng phân biệt. Muốn niệm đúng pháp cũng khó lắm! Tâm phải theo tiếng rất khó! Khó kềm, khó nhiếp cho đến phải dùng xâu chuỗi, nhờ lần chuỗi để trói buộc cái tâm loạn tưởng lại, chứ không phải lần chuỗi thiệt lẹ hột này rồi đến hột khác.

Thuở trước, tôi tự tìm cách để niệm Phật. Lúc ngồi lại niệm Phật thầm, tôi định thời gian là một xâu chuỗi. Ban đầu niệm đủ ba câu Phật hiệu rồi lần một hột, nhưng ba câu Phật này phải chắc chắn, nếu nó xao lãng không rõ ràng thì bỏ, lại niệm ba câu khác. Sau đó, tiến lên năm câu lần một hột, rồi đến bảy câu lần một hột, sau rốt mười câu lần một hột. Nếu lúc niệm Phật mà có một chút xao lãng, tạp niệm xen vào thì mười câu đó bỏ, niệm mười câu khác. Nhiếp tâm không dễ dàng, phải chuyên cần tinh tấn, nắm cho thật vững chắc. Mình tu đúng thì chính mình được thành tựu, do đó phải cố gắng.

Lúc được “Bất niệm tự niệm” trong tâm biết rất rõ ràng như từ chỗ điểm A bước đến điểm B, được rồi thì nhất định không bao giờ mất, chắc thật không phải mờ mịt. Đến bây giờ, tôi chỉ được chỗ này thôi. Các huynh đệ đừng nghĩ rằng, các vị Thánh xuôi chân nằm ngủ ngáy khò khò như mình đâu, nghĩ vậy là sai. Tôi được một chút đó mà cái ngủ đã tự nhiên mất, nếu có thì chỉ thỉnh thoảng.

Các pháp môn khác cũng vậy, lúc còn phàm phu thì chưa có đạo lực, ở pháp Phật được chút gì thì gọi là đạo lực. Đã có sức mạnh trên đường đạo ắt phải khác hẳn lúc chưa có.

Tôi từng diễn đạt phương pháp niệm Phật qua bài kệ:
Nam Mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ.

“Rành” là câu tiếng rành rẽ. “Rõ” là phải rõ ràng. Lúc niệm Phật đừng ham nhiều rồi niệm phớt phớt, không cần nhiều nhưng phải thật rành rõ. Khi công phu nắm thiệt vững chỗ này. Kế đến là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”, tuy khó nhưng luôn luôn cố gắng, đừng để lúc niệm Phật tiếng một nơi, tâm một ngã. Đó là tu không đúng rồi, mà không đúng thì không thể được. Ví như anh thợ mộc muốn làm cái bàn, anh phải làm đúng phương pháp thì mới thành ra cái bàn. Do vậy, việc quan trọng trước nhất là phải tu đúng pháp. Trì danh niệm Phật mà tâm tiếng hiệp khắn nhau gọi là tu đúng pháp, còn sai trật thì không được gì.

Muốn được như vậy, tôi đã dùng chuỗi để hạn định thời gian, lúc đến chỗ mười câu mới lần một hột phải mất mấy tiếng đồng hồ mới rồi một xâu chuỗi. Mỗi thời niệm Phật như vậy, ngồi khoanh chân niệm thầm phải mất hai tiếng đồng hồ. Tu hành phải chịu khó, phải bền bỉ thì mới có chỗ được. Lúc tôi niệm thầm mười tiếng lần một hột chuỗi, trong mười tiếng đó tới câu số tám hoặc số chín mà xao lãng thì bỏ không lần qua, bắt đầu từ một trở lại. Thế nhưng lúc thành tựu được chút gì trên đường đạo (đạo lực), trong tâm an lạc khỏe lắm!

Tôi từng nghĩ, bản thân mình có làm cái gì, được cái gì, có làm có được, phải đến chỗ được cho thật vững vàng rồi mới đem cái mình đã từng làm, từng tu khuyên nhắc truyền dạy người khác. Nguy hiểm nhất là phàm phu tự ý nghĩ ra rồi viết thành sách, làm lầm người khác. Thế nên, đệ tử Phật phải lấy Thánh giáo lượng (lời Phật dạy trong kinh điển) làm mực thước để đo. Nếu đúng theo kinh thì chắc chắn tin theo, so lại mà chưa đúng thì cần kiểm tra suy xét cho kỹ. Nếu chưa được đạo đều gọi là phàm phu, tự ý nói thì không bảo đảm.

Mấy huynh đệ phải nhớ đừng nên bỏ phí thời gian. Về Thiền Tông, tôi cũng đọc nhiều bộ sách lớn như Thiền Học Tập Thành, Thiền Học Đại Thành. Nhiều người đọc đến đoạn ngài Triệu Châu khi có người đến tham học, Ngài không chỉ dạy điều gì, chỉ kêu nói “Uống trà đi”! Người học lễ bái rồi lui ra. Đó là câu khai thị, nhưng người thường khó nhận khó hiểu, lại tưởng lầm rằng đã đắc Thiền thì chỉ uống trà thôi!

Riêng về pháp môn niệm Phật là pháp dễ tu, có mực thước rõ ràng mà hành giả đều có thể nắm vững để thực hành. Một phương pháp lúc tu hành có từng bước thật rõ, tu đúng hay không đúng dễ nhận biết. Tôi xem nhiều kinh sách nhận thấy pháp môn niệm Phật dễ nắm vững, thực hành cũng dễ, khi chưa được cũng biết chưa được, khi được thì cũng biết đã được, thật rõ ràng!

Thời gian gần đây, tôi không thể lạy Phật nên mong các huynh đệ đừng lễ lạy tôi, chỉ xá là được rồi! Mong tất cả đều tinh tấn tu hành.

Thích Pháp Đăng thành kính ghi lại.

10 thg 6, 2012

Thành Vương Xá



Thành Vương Xá (Rājagaha) là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), một kinh thành cổ xưa nhất Ấn Độ...


1. Giới thiệu khái quát về cổ thành Vương Xá (Rājagaha)
Thành Vương Xá (Rājagaha) là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), một kinh thành cổ xưa nhất Ấn Độ, rất trù phú, nguy nga nhưng lại hiểm trở vì núi non bao quanh, do vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara) trị vì vào thời đức Phật còn tại thế. Nhờ nằm trong thung lũng được bao quanh bởi những rặng núi chạy dài nên thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên khoáng sản quặng sắt cũng như mỏ đồng làm cho đất nước Ma Kiệt Đà càng thêm cường thịnh. Các nguồn văn hóa lớn được xuất xứ từ Ma Kiệt Đà, như ngôn ngữ Magadhi và lịch số...

Rajgir trên bản đồ
Ngày nay kinh thành này chỉ là một thị trấn nhỏ với tên gọi là Rajgir, cách thủ phủ Patna 70 km về phía Tây Nam. Xung quanh vùng có một vài bức tường thành bao bọc ở các rặng núi chính là những phế tích còn sót lại của một kinh thành cổ. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều lạc hậu, phố xá nhà cửa đơn giản, lưa thưa, kinh tế không mấy gì khả quan so với nhiều vùng khác. Hơn 2500 năm về trước, tại nơi đây nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến Phật giáo vẫn còn lưu dấu vết cho đến ngày nay. Chính tại kinh thành này, trên đường tầm đạo đã xảy ra cuộc gặp gỡ giữa thái tử Sĩ Đạt Ta và đại vương Tần Bà Sa La. Được biết tâm nguyện cao cả của vị thái tử bộ tộc Thích Ca (Sakyā) thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), nhà vua vô cùng thán phục, xin nhường lại nửa giang san cho Sĩ Đạt Ta cai trị nhưng thái tử đã một mực từ chối. Trước khi chia tay, nhà vua cầu chúc cho thái tử Sĩ Đạt Ta sớm thành tựu đạo quả và trở về thành Vương Xá để độ ông. Do đó, kinh đô Vương Xá trở thành một trong những trung tâm truyền bá Phật giáo đầu tiên có sức ảnh hưởng rất lớn vào thời đức Phật. Những thánh tích trọng đại liên quan đến Phật giáo vẫn còn lưu tiếng tăm cho đến ngày nay như: tinh xá Trúc Lâm, động Saptaparni (nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất), núi Linh Thứu (nơi Phật diễn pháp Hội tam thừa quy nhất).... Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu một số dấu tích còn sót lại liên hệ đến các danh xưng lịch sử này.


2. Núi Linh Thứu: Đức Phật du hóa khắp Ấn Độ, Ngài thường ra vào thành Vương Xá, tọa lạc trong núi Linh Thứu. Núi Linh Thứu còn gọi là núi Kỳ Xà Quật, đỉnh núi dài phía đông tây, hẹp ở nam bắc. Vườn rừng trong núi thanh tịnh, là nơi huân tập phúc đức trí tuệ, cũng là trụ xứ của chư Phật Thánh tăng từ xưa nay. Đức Phật an trụ nơi đây cùng với một muôn hai nghìn chúng đại Tỳ kheo, tuyên thuyết diệu nghĩa Phật pháp.
Linh Thứu sơn tiếng Pāli là Gijjhakuta, nghĩa là ngọn núi kên kên (Vulture's Peak), tức trên đỉnh núi có hình dạng của con kên kên là loài chim rất phổ biến ở Ấn Độ, gần thành Vương Xá (Rājagaha). Từ trên đỉnh núi này, chúng ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành Vương Xá: những rặng núi chạy dài bao bọc xung quanh, các đồng ruộng mênh mông bát ngát, các làng mạc và những phố xá nằm rải rác quanh vùng. Tại Linh Thứu sơn này, nhiều bài kinh quan trọng đã được đức Phật tuyên thuyết khi Ngài còn tại thế. Theo truyền thuyết của Đại thừa, tại núi này, đức Phật đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharmapundarika Sutta), là bộ kinh quan trọng của Đại thừa Phật giáo, là kim chỉ nam của hành giả Pháp Hoa tông. Cho nên vào đầu kinh chúng ta thấy câu xướng lễ: Nam mô Linh Sơn hội thượng Phật Bồ tát, chính là nói đến pháp hội Tam thừa quy nhất tại núi Linh Thứu, đức Phật khuyến hóa hàng Thánh giả Tam thừa (Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát), nên hướng về Nhất thừa, tức là Phật thừa.



Tịnh Ảnh Sớ viết: ‘Núi Kỳ Xà, Tàu dịch là núi Linh Thứu. Núi này có nhiều bậc linh tiên cư trụ nên gọi là Linh. Cũng do có chim Thứu sống trong núi này nên gọi là Thứu’ và: ‘Ðảnh núi này hình giống đầu chim Thứu nên cũng gọi là Thứu Ðầu sơn’.
Sách Tây Vực Ký nói về núi này như sau: ‘Mặt Nam của phía Bắc núi đột nhiên cao vót lên như chim Thứu đậu, cũng giống như cái đài cao. Sắc núi biếc in lên không trung đậm nhạt rõ nét. Như Lai ngự trong đời năm mươi năm thường ở núi này thuyết nhiều diệu pháp’.
Trí Ðộ Luận giảng: ‘Núi Kỳ Xà Quật hơn hết trong năm ngọn núi vì:
* Tinh xá trong núi này gần thành nhưng khó lên được. Vì gần thành nên đi khất thực không vất vả, khó lên nên hạng người tạp nhạp chẳng tới. Vì vậy, ngự ở núi này chẳng trụ nơi chỗ khác.
* Núi Kỳ Xà Quật này là chốn phước đức xa xưa, là chỗ thánh nhân thích ở. Phật là chúa các thánh nên hay ngự ở đây.
* Núi Kỳ Xà là trụ xứ của tam thế chư Phật.
* Trong núi này thanh tịnh, là nơi có phước đức, vắng vẻ, thanh tịnh, là hành xứ của hết thảy chư Phật, là nơi được thập phương Bồ Tát cung kính, khen ngợi, tám bộ đại lực chúng thần thủ hộ cung kính, cúng dường. Các kinh Ðại thừa phần nhiều được nói tại núi này.
* Trong núi, mười phương vô lượng đại lực Bồ Tát vô lượng trí huệ, phước đức thường đến gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, lễ bái, cung kính nghe pháp. Các kinh Ðại thừa phần nhiều giảng tại núi này’.
Sách Pháp Hoa Luận viết: ‘Núi Kỳ Xà Quật trỗi hơn các núi khác, Phật thường ngự ở đây thuyết pháp nhằm hiển thị pháp này là tối thắng’. 


Đường lên núi Linh Thứu

Trên đỉnh Linh Thứu

  

3. Vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara) và tinh xá Trúc Lâm (Veluvana Vihara)
Có thể nói vai trò của vua Tần Bà Sa La rất lớn đối với việc truyền bá chánh pháp, là chỗ dựa vững chắc để làm nền tảng phát triển Phật giáo, khi một đạo Phật còn quá non trẻ so với những tôn giáo truyền thống đương thời của Ấn độ. Nhưng làm cách nào thực hiện được điều đó để có thể đứng vững và làm cho mọi người tin tưởng hướng về, đó là điều trăn trở mà một vị giáo chủ vừa mới ra đời như đức Phật phải suy nghĩ và lo ngại!? Vì thế đức Phật không vội đi truyền bá chánh pháp ngay sau khi giác ngộ mà Ngài đã lưu lại tư duy quán sát bảy tuần lễ xung quanh cội Bồ Đề. Mặc dù đức Phật không thể hiện rõ về đường lối hay phương hướng truyền giáo của mình như một chiến lược, nhưng mọi biểu hiện của Ngài đều được cân nhắc kỹ càng có tính logic hợp lý trong mọi tình huống và trong mọi nơi khi Ngài dừng chân. Vì lẽ đó, mặc dù nhớ rất rõ lời hẹn ước với vua Tần Bà Sa La nhưng đức Phật không vội trở về thành Vương Xá để độ Ông bởi vì Ngài thừa hiểu tâm lý của những người đương quyền không dễ gì bị thuyết phục bởi những lời nói suông mà không có một cái gì để minh chứng. Do đó việc quyết lòng hóa độ ba anh em Ca Diếp (Kassapa) đạo thờ lửa xứ Ưu Lầu Tần Loa (Uruvela) là một suy nghĩ đúng đắn nhất, có cơ sở tin cậy nhất đối với việc tiếp kiến đại vương nước Ma Kiệt Đà, một cường quốc nhất nhì thời bấy giờ. Bởi vì ba anh Ca Diếp là những người có uy tín lớn, có ảnh hưởng quần chúng rộng rãi trong thành, mà cả vua Tần Ba Sa La cũng để lòng kính nể đến các vị này. Tất cả điều kiện trên đã hội đủ nên cuộc gặp gỡ theo lời hẹn ước đã đem lại lòng tin sâu sắc và sự kính trọng tột độ của nhà vua dành cho đức Thế Tôn. Một nhà khổ hạnh hôm nào, nay trở thành một vị Phật, đầy đủ uy nghiêm cốt cách của bậc thầy trời người, lại thêm tiếp độ một ngàn môn đệ bao gồm ba anh em Ca Diếp chỉ trong thời gian ngắn ngủi thì việc đó ngoài sức tưởng tượng của nhà vua. Sau khi thân hành ra tận ngọ môn tiếp đón, vấn an đức Phật và chúng tăng, vua Tần Bà Sa La thỉnh Phật ngày hôm sau vào hoàng cung thọ trai và chính ông đã phục vụ cho Phật và chúng tăng, một vinh dự mà nhà vua chỉ dành cho đức Phật. Ngay bữa ngọ trai hôm đó, vua tuyên bố cúng dường ngự hoa viên Trúc Lâm (Veluvana), một khu rừng trúc xinh đẹp thoáng mát cho đức Phật làm nơi lưu trú tu hành.
Tại khu rừng trúc này, một ngôi tinh xá được xây dựng, và nó cũng là ngôi tinh xá đầu tiên khởi nguồn cho lịch sử tự viện Phật giáo phát triển mãi đến sau này. Được sử ghi chép rằng, ngôi tinh xá rất là khang trang, rộng lớn, trong đó bao gồm nhiều phòng ốc, giảng đường và các tiện nghi sinh hoạt khác khảm đủ cả chục ngàn người. Tại ngôi tinh xá này, đức Phật đã trải qua mùa an cư thứ hai và nhiều mùa an cư khác nữa, và Ngài đã thuyết nhiều bài kinh quan trọng được ghi lại trong Trung Bộ kinh như: Kinh Vương Tử, Đại Kinh Vacchagotta, Kinh Thiện Sanh Ưu Đà Di ...Ngày nay, khi dừng chân nơi ấy, chúng ta không còn thấy khu vườn trúc sum suê và ngôi tinh xá đồ sộ thuở nào như kinh điển mô tả. Trước mắt chúng ta chỉ thấy cảnh vật hoang sơ, thầm lặng trong môt thị tứ bé nhỏ. Trước cổng ra vào có dựng một tấm bản xác định vị trí ngôi tinh xá năm xưa, xung quanh có rào chắn um tùm cây tạp và cỏ dại. Bên trong chỉ còn vài khóm trúc khá tốt và xinh đẹp nhưng chắc được người sau trồng lại để tưởng niệm một danh xưng thơ mộng và nổi tiếng bởi hai chữ Trúc Lâm (rừng trúc), nhưng không đủ sức để phản ánh hết uy thế của một ngôi tinh xá trang hoàng và khu thượng uyển thời vàng son Phật giáo. Đi hết khu vườn, ngoài những khóm hoa được trồng dọc theo lối đi chúng ta không còn thấy một vết tích nào, cho dù bờ tường đổ nát rêu phong để có thể hình dung được tí gì liên quan đến nó. Trong khuôn viên, cách cổng ra vào khoảng 100 mét chúng ta thấy có một cái hồ vuông, xung quanh cẩn gạch vén khéo, nước trong hồ trong vắt và sạch sẽ, mặt hồ phẳng lặng in bóng những hàng cây tàng rộng mọc xung quanh, vài đàn cá trê chập chờn bơi lội dưới nước, tìm ăn những miếng mồi ngon từ khách tham quan và cư dân dạo mát quanh vùng. Hồ này có tên là hồ Kalandaka, được tương truyền rằng, đức Phật và chúng tăng thường tắm trong hồ này khi lưu trú tại tinh xá Trúc Lâm. Bên bờ hồ có một tượng Phật Bổn Sư do người Nhật tôn trí trên một bệ thờ trong tư thế thiền định, Ngài đang ngồi lặng lẽ giữa tiếng bước chân qua lại chầm chậm lưa thưa, giữa bốn mùa yên ả trầm buồn, buồn cho số kiếp chúng sanh thời Mạt không đủ phước duyên để chứng kiến thời hoàng kim chánh pháp.
Sau khoảng thời gian khiêm tốn ghi một vài hình ảnh kỷ niệm trong buổi chiều tà xế bóng, một vài hạt mưa muộn màng còn nhỏ giọt trên lối đi, hoàng hôn cũng dần dần buông màn khép lại cho một ngày tiếp tục trôi qua, một thao tác vạn kỷ, đoàn chúng tôi rời khỏi tinh xá Trúc Lâm, nơi đầy kỉ niệm trong trí tưởng tượng để trở về khách sạn nghỉ ngơi với bao niềm xao xuyến miên man.


4. Ngục khám vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara)
Trên quãng đường đi đến Linh Thứu sơn khoảng 2 km từ tinh xá Trúc Lâm có một bờ tường đá dày 2m, nằm bên trái cách con đường chính chừng 30 m, hình chữ nhật, dài khoảng 100m, rộng độ 70m, đó là nhà tù giam vua Tần Bà Sa La thuở xưa. Từ vị trí này, chúng ta nhìn thấy xa xa thấp thoáng tháp Hòa Bình trên đỉnh Sonagiri và chóp núi Linh Thứu, cách chừng 5 km bằng đường chim bay, khoảng 7 km đi đường lộ nhựa.Sử chép rằng: vì còn quá trẻ, tính tình bồng bột nông nổi nên bị sự xúi giục sai trái của Đề Bà Đạt Đa, người dốc lòng hại Phật, thái tử A Xà Thế (Ajatasattu) dùng mọi thủ đoạn để hãm hại vua cha, tức vua Tần Bà Sa La, bằng cách bắt giam vào đại lao và dùng nhiều cực hình bức tử ngài.

Địa điểm ngục giam vua Tần Bà Sa La


Những ngày cuối đời trong ngục thất, đức vua hướng về núi Linh Thứu cầu khẩn đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp tu tập để thoát khỏi cuộc đời đầy đau khổ này. Vì ham mê danh vọng, quyền thế hư ảo, vì chứa đầy tham sân si trong lòng mà con người gian trá lọc lừa, tìm cách hãm hại nhau để vun bồi cho dục vọng và ngã chấp, ngay cả như cha với con cũng không từ nan. Trần gian là bể thành sầu khổ. Sự có mặt của mọi con người trên cuộc đời chỉ nhằm giải quyết “ân oán giang hồ”, cứ thế mà trả vay, vay trả đến kiếp nào cho xong! Vì vậy, khi được đức Thế Tôn từ trên đỉnh Linh Thứu sơn phóng quang, xoa đầu và hiển hiện kim thân thuyết pháp, ông liền đắc quả A Na Hàm, rũ sạch mọi đau buồn và an nhiên đi vào cõi chết. Hoàng hậu Vi Đề Hi, vợ vua Tần Bà Sa La, cũng bị giam lỏng trong ngục thất này, nên bà cầu xin đức Phật chỉ dạy phương pháp tu thoát khỏi cõi ta bà ô trược. Cảm được lời cầu xin của Bà, đức Phật hiện thân thuyết pháp an ủi, giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà và phương pháp tu vãng sanh về cõi ấy. Điều này đã được ghi chép đầy đủ trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, một trong những bài kinh căn bản của hành giả Tịnh Độ Tông.


5. Hang Thất Diệp (Sattapanni), nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất
Để được tham quan hang Thất Diệp (Sattapanni), mọi người trong đoàn phải nghỉ ngơi qua đêm chờ sáng hôm sau đủ sức đi bộ lên hàng mấy ngàn bậc tam cấp mới đến được hang Thất Diệp, một động đá trên đỉnh núi dung chứa chỗ ngồi cho 500 trăm vị A La Hán.Hang Thất Diệp hay còn gọi động Kỳ Xà Quật thuộc ngọn núi Vebhara hay Vaibhara, là nơi được chọn để tổ chức cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất. Hang Thất Diệp này thuộc thành Vương Xá, chỉ cách Linh Thứu sơn khoảng 10 km. Cuộc kết tập kinh điển này được diễn ra sau ba tháng đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Trưởng lão Đại Ca Diếp (MahaKassapa) được cử làm chủ tọa hội nghị gồm 500 vị đại A La Hán, nên còn gọi là Ngũ Bách Kết Tập. Nội dung của cuộc kết tập kinh điển lần này nhằm ôn lại lời dạy của đức Thế Tôn; ngài Ưu Ba Ly (Upāli) trùng tuyên luật tạng, ngài A Nan Đa trùng tuyên kinh tạng, chưa có đề cập đến tạng luận. Mọi chi phí trong suốt quá trình kết tập được sự bảo trợ trọn vẹn của vua A Xà Thế, đại vương nước Ma Kiệt Đà.Tại hang Thất Diệp có khả năng chứa 500 vị thánh tăng hôm nào nay chỉ còn trong truyền thuyết, bởi vì qua thời gian hang động này đã bị lấp kín chỉ còn một lối đi vào sâu bên trong độ khoảng 10m. Bên ngoài hang động có khoảng không rộng rãi, thông gió, rất mát mẻ và thanh vắng. Từ nơi này, chúng ta có thể thấy vùng bình nguyên phía dưới cây cối bạt ngàn, nhà của phố xá và cả xe cộ qua lại trên con đường chính. Muốn vào bên trong chúng ta phải có đèn pin hoặc thắp nến mới có thể thấy đường lần theo lối mòn vì ngoài việc thiếu ánh sáng, lối đi rất là lởm chởm đá.Cách hang động chính không xa khoảng 10m có một động đá không sâu nhưng khảm đủ làm nơi trú thân lý tưởng cho các vị tu hành. Hang động này được đánh dấu chỗ mà ngài A Nan hành thiền suốt đêm trước ngày diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần này. Sở dĩ A Nan không được vào bên trong vì Ngài chưa chứng đắc quả A La Hán, nên không đủ tư cách để tham dự hội nghị, cho dù được xem là vị đa văn đệ nhất, nhớ rõ toàn bộ lời dạy của đức Thế Tôn. Vì buồn cho mình mang tiếng đa văn nhưng lậu hoặc vẫn chưa dứt trừ, đồng thời không được có mặt trong kỳ kết tập này nếu chưa chứng quả A La Hán nên Ngài đã nổ lực tu tập suốt một đêm cuối cùng trước khi trời sáng hội nghị bắt đầu khai mạc. Đêm lịch sử này cũng là đêm quyết định, tôn giả A Nan đã chứng đắc thánh quả, dứt trừ lậu hoặc và nghiễm nhiên trở thành một thành viên hợp lệ trong hội nghị và được đề cử vai trò quan trọng là người trùng tuyên toàn bộ kinh tạng, tức năm bộ Nikāya.

6 thg 5, 2012

Ý nghĩa lá cờ Phật Giáo




Bạn có thể nhìn thấy lá cờ Phật giáo 5 màu tại khắp các chùa chiền trên toàn thế giới. Thậm chí, đôi khi lá cờ này được tách ra thành nhiều lá cờ đơn sắc khác nhau, mỗi lá cờ có một mầu nằm trong 5 màu trên. Lá cờ này được thiết kế lần đầu tiên vào năm 1885 bởi những nhà sư ở Colombo, Sri Lanka.
Lá cờ này đã được công bố trên báo Sarasavi Sandaresa vào ngày 17/4/1885 và được treo vào Lễ Phật Đản 28/4/1885. Đây cũng là lễ Phật Đản đầu tiên ở Sri Lanka dưới chế độ cai trị của thực dân Anh. Đại tá Henry Steel Olcott, một nhà báo người Mỹ, đồng sáng lập Hội Thông Thiên Học Mỹ Quốc (nay trở thành Hội Thông Thiên Học Quốc Tế, có 60 nước hội viên và trụ sở đặt tại Adgar, Ấn Ðộ) đã sửa lại hình dạng (dài) của lá cờ trở thành hình dạng như bây giờ để mọi người có thể dễ sử dụng hơn. Lá cờ mới này đã được treo tại Lễ Phật Đản năm 1886.
Năm 1889, lá cờ này đã được mang tới Nhật Bản và giới thiệu với Nhật Hoàng. Cùng năm đó, lá cờ cũng đã được giới thiệu tại Myanmar (Burma). Vào ngày 25/5/1950, Đại hội Phật giáo Thế giới đã công nhận lá cờ này là lá cờ chính thức của Phật giáo thế giới. Đại hội này có sự tham dự của thượng tọa Tố Liên – đại biểu chánh thức – và ông Phạm Chữ – tháp tùng theo làm Thông dịch viên. Ðến ngày 6-5-1951, tại chùa Từ Ðàm (cố đô Huế) một Ðại Hội Phật Giáo ba miền Bắc Trung Nam, gồm 51 đại biểu Tăng già và cư sĩ, sau 4 ngày họp, đã thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Trong dịp Đại hội, Thượng tọa Tố Liên đã tặng Ðại Hội lá cờ Phật Giáo Thế Giới, và đại hội đã chấp nhận lá cờ này cũng là cờ Phật Giáo Việt Nam.
Mặc dù cờ Phật giáo là biểu trưng cho ánh hào quang của đức Phật, biểu hiện tinh thần từ bi và bình đẳng của Phật giáo, nhưng nó bị xem là biểu tượng thách thức đối với chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vì vậy, ngày 6 tháng 5 năm 1963, Ngô Đình Diệm đã ra thông điện số 9195 ngày 6/5/1963, “cấm treo cờ Phật giáo”. Thông điện cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản là một hành động xúc phạm đối với Phật giáo đồ và là một hành động mở màn cho cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt Phật giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Sau lệnh khẩn truyền đi từ văn phòng Tổng thống Ngô Đình Diệm, lực lượng cảnh sát Huế đã bắt đầu thực hiện lệnh triệt hạ cờ Phật giáo tại các tư gia Phật tử. Nhưng ngày rằm tháng 4 (8-5-1963) Tăng Ni và Phật tử vẫn tiếp tục đại lễ rước Phật hoành tráng, diễn hành từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm. Đại lễ chính thức được cử hành tại chùa Từ Đàm với sự chứng minh và tham dự của Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Giác Nhiên cùng hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử. Tối hôm đó, chính quyền đã tiến hành chiến dịch đàn áp dã man tại đài phát thanh Huế, làm 8 người thiệt mạng. Tiếp bước hành động vô nhân tính này, chính quyền Ngô Đình Diệm không những không thực thi những nguyện vọng thiết tha của Phật giáo mà còn mở những cuộc tấn công quy mô và dã man hơn trên toàn lãnh thổ. Tăng Ni và Phật tử tiếp tục cương quyết bảo vệ chánh pháp và bảo vệ ngọn cờ thiêng liêng trong tinh thần đấu tranh bất bạo động. Cuộc đấu tranh bất bạo động đã lan rộng khắp miền Trung và miền Nam. Trong Tâm thư phát nguyện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức gởi Hội đồng giáo phẩm Giáo hội Tăng già Việt Nam đề ngày 27 tháng 5 năm 1963, Hòa thượng ghi: “… Phật giáo Việt Nam bất diệt! Lá cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ!… chuyển tới toàn thể tín đồ lời ước nguyện cuối cùng của chúng tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự nguyện tự giác, bền chí với sứ mạng duy trì Chánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo.” Hòa thượng được sự chấp thuận của Hội đồng giáo phẩm, đã tự thiêu để bảo vệ chánh pháp và Phật kỳ vào ngày 11 tháng 6 năm 1963.

Năm màu trong lá cờ thể hiện năm ý nghĩa khác nhau của nhà Phật như sau :
Xanh đậm: Tượng trưng cho Ðịnh căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt.
Vàng lợt: Tượng trưng cho Niệm căn, vì có Chánh Niệm mới sanh Ðịnh và phát Huệ.
Đỏ: Tượng trưng cho Tinh Tấn căn. Có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh.
Trắng: Tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển, và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sanh ra muôn hạnh lành.
Da cam: Tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sanh.
Dải dọc ở phía bên phải lá cờ gồm đủ các màu tượng trưng cho tinh thần hòa bình và đoàn kết của Phật Giáo thế giới.